Hoài Đức là huyện ngoại thành, giáp với 3 quận là Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm và Hà Đông. Huyện có tổng diện tích khoảng 84km2, dân số khoảng 276.000 người (số liệu năm 2020), gồm có 19 xã và thị trấn. Huyện vốn thuộc tỉnh Hà Tây (cũ) và được sáp nhập vào Hà Nội năm 2008.
Theo đề án từ TP. Hà Nội, huyện Hoài Đức là một trong 5 cái tên (cùng với các huyện Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Đan phượng) được tập trung đầu tư lên quận.
Hiện quận còn nhiều tiêu chí phải hoàn thành về trình độ phát triển kinh tế - xã hội. Song, về mặt cơ sở hạ tầng, huyện đang tích cực thực hiện nhiều dự án lớn.
Về hạ tầng giao thông, huyện Hoài Đức dành nguồn lực ưu tiên cho các dự án quan trọng, dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2023-2024 như đường Liên khu vực 1; đường Liên khu vực 8; đường Lại Yên - Vân Canh; đường ĐH 02; đường Liên khu vực 6.
Một dự án trọng điểm khác là đường Vành đai 3,5 có chiều dài 5,6km với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Sau 6 năm triển khai, giai đoạn 1 của Dự án đã được hoàn thiện 95%; giai đoạn 2 hiện đã hoàn thành 60%.
Cũng tại huyện Hoài Đức, tháng 6/2023 vừa qua đã khởi công đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô. Dự án có tổng vốn đầu tư 86.000 tỷ đồng, đi qua nhiều địa bàn thuộc 3 tỉnh (TP. Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh). Trong đó, phần dự án đi qua huyện Hoài Đức có chiều dài khoảng 17km, thời gian thi công dự kiến là 1.080 ngày (khoảng 3 năm).
Những dự án giao thông trên địa bàn huyện Hoài Đức, sau khi được hoàn thành sẽ từng bước đồng bộ hệ thống hạ tầng khu vực, giúp huyện mở rộng không gian phát triển, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông. Đồng thời, nó cũng tạo thuận lợi cho việc kết nối giữa Hoài Đức với các khu đô thị, khu công nghiệp.
Để giúp đưa Hoài Đức lên quận, các trung tâm thương mại, dịch vụ trong các khu đô thị cũng được đẩy nhanh tiến độ xây dựng.
Cụ thể, dự án cảng nội địa ICD Mỹ Đình được xây dựng tại xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, có diện tích khoảng 23ha. Dự án được kỳ vọng là địa điểm thông quan mới cho các doanh nghiệp với đầy đủ hệ thống kho bãi tiêu chuẩn.
Ngoài ra, huyện Hoài Đức cũng quan tâm tới các dự án nhà máy xử lý nước thải. Điển hình là dự án nhà máy xử lý nước thải xã Sơn Đồng. Nhà máy này được xây dựng trên diện tích 5.000m2 với tổng mức đầu tư hơn 200 tỷ đồng.
Các tiện ích như công viên, khu cây xanh, khu thể dục thể thao tập trung cũng được tăng cường đảm bảo tiến độ để đưa huyện Hoài Đức lên quận vào năm 2025. Trong ảnh là Công viên Thiên đường Bảo Sơn.
Được biết, năm 2023 tổng thu ngân sách trên địa bàn huyện Hoài Đức ước đạt 2.074 tỷ đồng, (tăng 20.6% so với cùng kỳ); tổng giá trị sản xuất ước thực hiện hơn 31.200 tỷ đồng (tăng 12.12% so với cùng kỳ năm 2022). Trong ảnh là Cụm công nghiệp Trường An.
Cùng với đó là cơ cấu kinh tế được chuyển dịch. Trong đó, tỷ trọng thương mại - dịch vụ chiếm 57.2% công nghiệp - xây dựng 39,1% và nông nghiệp chỉ chiếm 3,6%.
Năm 2024, huyện Hoài Đức đặt mục tiêu đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn, phấn đấu hoàn thành các tiêu chí chưa đạt trong thực hiện Đề án xây dựng huyện Hoài Đức lên quận. Với những thành tựu trong nhiều lĩnh vực, TP. Hà Nội phấn đấu thành lập quận Hoài Đức vào năm 2025.