Thứ hai, 06/01/2025, 21:49

Quy chế tài chính

QUY CHẾ TÀI CHÍNH
CỦA HỘI DOANH NGHIỆP TRẺ HUYỆN HOÀI ĐỨC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 10/QĐ-DNT ngày 14 tháng 12 năm 2024 của Ban Chấp hành Hội Doanh nghiệp trẻ huyện Hoài Đức )
Căn cứ Quyết định số 4444/QĐ-UBND ngày 08 tháng 10 năm 2024 của UBND huyện Hoài Đức về việc Thành lập Hội Doanh nghiệp trẻ huyện Hoài Đức, TP Hà Nội;
Căn cứ Quyết định số 5176/QĐ-UBND ngày 05 tháng 12 năm 2024 của UBND huyện Hoài Đức về việc Phê duyệt Điều lệ Hội Doanh nghiệp trẻ huyện Hoài Đức, TP Hà Nội nhiệm kỳ 2024 - 2029;
Căn cứ Nghị quyết Đại hội lần thứ I, nhiệm kỳ 2024 – 2029 của Hội Doanh nghiệp trẻ huyện Hoài Đức, TP Hà Nội ngày 09 tháng 11 năm 2024;
Căn cứ tình hình thực tiễn của Hội Doanh nghiệp trẻ huyện Hoài Đức;
Ban Chấp hành Hội Doanh nghiệp trẻ huyện Hoài Đức khoá I, nhiệm kỳ 2024 – 2029 xây dựng Quy chế Tài Chính của Hội như sau:

CHƯƠNG I: NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Hội doanh nghiệp trẻ huyện Hoài Đức (HBA) là tổ chức phi lợi nhuận xã hội tự nguyện không vì mục đích lợi nhuận hoạt động theo theo nguyên tắc tự quản, tự chủ về tài chính, tự cân đối thu - chi trên cơ sở hội phí, lệ phí do hội viên đóng góp và các khoản thu hợp pháp.
Điều 2. Đối tượng và phạm vi áp dụng: Quy chế này được áp dụng cho tất cả các tổ chức, Hội viện thuộc HBA trong mọi hoạt động có liên quan đến tài chính và quản lý tài sản của Hội.
Điều 3. Việc quản lý tài chính của hội thực hiện dựa trên nguyên tắc minh bạch, công bằng, tin tưởng, tôn trọng, chia sẻ, theo đúng Điều lệ Hội và các quy định của pháp luật hiện hành.
Điều 4. Năm tài chính của hội trùng với năm dương lịch, bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 và kết thúc vào ngày 31 tháng 12 hàng năm.
CHƯƠNG II: CÁC QUY ĐỊNH CỤ THỂ
I/ QUẢN LÝ NGUỒN thu
Điều 5. Nguồn thu của Hội:
1. Phí gia nhập hội, hội phí hàng năm của các Hội viên (Hội phí).
2. Các khoản hỗ trợ tự nguyện đóng góp ngoài hội phí từ các Hội viên;
3. Các khoản tài trợ, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước;
4. Thu hợp pháp từ các hoạt động của hội, từ các sự kiện hội nghị, Đại hội, chương trình gala, thu từ quảng cáo, phát hành tạp chí, hợp tác với đối tác cá nhân hoặc tổ chức khác;
5. Thu từ tài trợ đột xuất hoặc gắn với các hoạt động, các sự kiện của Hội;
6. Thu từ hội viên tự nguyện trích lợi nhuận từ kết quả các hoạt động giao thương giữa các hội viên và hội viên giới thiệu.
7. Thu hợp pháp khác: Thu lãi tiền gửi ngân hàng (nếu có), các khoản thu không bao gồm các khoản thu trên
Điều 6. Hội phí là khoản đóng góp hàng năm của hội viên sau khi được Ban chấp hành Hội phê duyệt là Hội viên hội, do vậy một thành viên là Hội viên chính thức khi và chỉ khi được Ban Chấp hành phê duyệt và đã đóng hội phí
1/ Mức thu hội phí được quy định cụ thể như sau:
  • Gia nhập hội viên    : 1.000.000 Đ (Một triệu đồng)
  • Hội viên                   : 2.000.000 Đ/ Năm (Hai triệu đồng/Năm)
  • Ban chấp hành         : 5.000.000 Đ/ Năm (Năm triệu đồng /Năm)
  • Thường trực             : 10.000.000 Đ/Năm (Mười triệu đồng/năm)
2/ Mức thu hội phí có thể được điều chỉnh tăng hoặc giảm theo từng thời kỳ do Ban chấp hành Hội xem xét quyết định cụ thể.
3/ Hội viên gia nhập thời điểm nào sẽ nộp phí gia nhập (1 lần) và Hội phí của năm đó (Nếu gia nhập trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 6, đóng hội phí cả năm là 2.000.000đ; Nếu gia nhập trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 12, đóng hội phí nửa năm là 1.000.000đ)
4/ Hội phí được thu kể từ ngày 01/01 đến 31/01 hàng năm/
5/ Nếu hội viên chậm đóng hội phí quá 01 tháng, Hội sẽ gửi thông báo nhắc nhở lần thứ nhất, quá 02 tháng sẽ gửi thông báo lần thứ hai. Trường hợp đã quá 03 tháng, Hội viên không đóng hội phí mà không có lý do chính đáng, Văn phòng Hội báo cáo với Ban Chấp hành Hội  để quyết định theo Quy chế Tổ chức và Hoạt động của Hội.
II/ QUẢN LÝ CHI TIÊU
Điều 7. Các khoản chi của Hội bao gồm:
1/ Chi hoạt động thực hiện nhiệm vụ của Hội;
2/ Chi thuê trụ sở, mua sắm tài sản phục vụ hoạt động của Hội;
3/ Chi văn phòng phẩm, vật dụng văn phòng, các chi phí liên quan khác để duy trì hoạt động của văn phòng Hội; Chi phí thông tin và truyền thông (mua sắm tạp chí, sách, duy trì website…);
4/ Chi thực hiện chế độ, chính sách cho người làm việc tại Hội theo quy định của Ban chấp hành phù hợp với quy định của pháp luật;
5/ Thăm hỏi hội viên, cán bộ Hội khi: có hiếu, hoạn nạn
6/ Chi phí tổ chức Đại hội, Hội nghị Hội viên thường niên hay bất thường;
7/ 
Chi khen thưởng và các khoản chi khác theo quy định của Ban chấp hành;
8/ Đóng góp quỹ hoạt động thường niên lên hội cấp trên (nếu có). Mức đóng góp hàng năm giao Ban Chấp hành quyết định;
9/ Chi khác: hoạt động xã hội, từ thiện, văn hóa, thể thao.
Điều 8. Chi tiết một số khoản chi:
1/ Mua trang thiết bị, tài sản phục vụ hoạt động Hội theo chứng từ và có dự toán;
2/ Chi phí đi lại cho Ban hội viên đi thẩm định hội viên mới (200.000đ/lần);
3/ Chi phí duy trì hoạt động văn phòng hội: điện, nước, vật dụng văn phòng, website…
4/ Tổ chức Đại hội, Hội nghị định kỳ, hội nghị bất thường, gặp mặt ngày truyền thống của Hội (thông tin, tài liệu, ấn phẩm, chi phí quảng cáo, truyền thông... (có dự toán trình Ban Chấp hành chấp thuận);
5/ 
Tham dự sự kiện khai trương, kỷ niệm thành lập công ty của Hội viên (Nếu Hội viên có tổ chức và có giấy mời đến Ban Chấp hành Hội): 1 lẵng hoa chúc mừng (Từ 500.000đ - 1.000.000đ);
6/ Tình nghĩa, thăm hỏi đám hiếu tứ thân phụ mẫu, vợ chồng, con cái của Hội viên là 1 vòng hoa cùng lễ viếng tiền mặt là 500.000đồng (tối đa 1.000.000đ);
7/ Tham dự Đại Hội Đại Biểu Hội doanh nghiệp trẻ các tỉnh thành phố trên cả nước là 1 lẵng hoa cùng tiền mừng là 1.000.000 đồng (tuỳ theo nguyên tắc đối đáp);
8/ Tham dự Đại Hội Đại Biểu của các Quận/Huyện của TP Hà Nội, các Xã/Thị trấn của Huyện Hoài Đức là 1 lẵng hoa cùng tiền mừng là 1.000.000đ – 2.000.0000đ (tuỳ theo nguyên tắc đối đáp);
Điều 9. Nguyên tắc chi tiêu:
1/ Việc chi tiêu phải đảm bảo nguyên tắc minh bạch, hợp lý, hợp lệ phù hợp với quy định hiện hành và Quy chế Tổ chức & Hoạt động của Hội, với quy chế tài chính và quy định chi tiêu và dự toán thu chi hàng năm của Hội.
2/ Việc chi tiêu phải đảm bảo nguyên tắc thu nhiều hơn chi và có mới chi. Mức chi cụ thể cho mỗi khoản chi tiêu tại từng thời kỳ do Ban Chấp hành quyết định.
III/ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG TÀI SẢN
Điều 10. Nguyên tắc quản lý tài sản
1/ Nhân viên văn phòng Hội nghiêm túc thực hiện các quy định quản lý tài sản văn phòng Hội và các trách nhiệm bảo quản những tài sản được giao sử dụng theo các biện pháp bàn giao giữa Bộ phận Hành chính & bộ phận chuyên môn.
2/ Việc kiểm kê tài sản được văn phòng Hội thực hiện vào quý I hàng năm và gửi Báo cáo kiểm kê tài sản cho Trưởng Ban Tài chính.
3/ Việc mua sắm trang thiết bị, phần mềm tại Văn phòng, Ban Tài chính xây dựng kế hoạch mua sắm theo năm trình Ban Chấp hành phê duyệt.
Điều 11. Phạm vi quản lý và xử lý tài sản.
1/ Mọi tài sản có giá trị từ 1.000.000 đ trở lên được ghi vào sổ quản lý tài sản của văn phòng Hội.
2/ Việc thanh lý các tài sản cũ, hư hỏng do bộ phận hành chính đề xuất & phải được Trưởng Ban Tài chính chấp thuận trước khi thực hiện.
IV/ QUẢN LÝ, ĐIỀU HÀNH VÀ THỰC HIỆN CÔNG TÁC TÀI CHÍNH, KẾ TOÁN
Điều 12. Về tài sản của Hội bao gồm: Trụ sở, trang thiết bị, phương tiện phục vụ hoạt động của Hội; tài sản của Hội được hình thành từ nguồn kinh phí của Hội, do các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hiến, tặng theo quy định của pháp luật.
Tài sản, tài chính của Hội chỉ được dùng cho các hoạt động của Hội, được quản lý và sử dụng đúng mục đích theo nguyên tắc công khai, minh bạch, tiết kiệm phù hợp với quy định pháp luật và tôn chỉ mục đích hoạt động của Hội;
1/ Phó Chủ tich phụ trách tài chính chịu trách nhiệm quản lý tài sản, tài chính của Hội.
2/ Hội có tài khoản ngân hàng riêng. Thông tin tài khoản như sau:
  • Tên Tài khoản: HỘI DOANH NGHIỆP TRẺ HOÀI ĐỨC
  • Số Tài khoản: 1020245555
  • Ngân hàng: Vietcombank
3/ Hàng năm trên cơ sở của kế hoạch hoạt động của Hội, thủ quỹ của Hội lập kế hoạch thu - chi trong năm trình Ban Chấp hành phê duyệt. Trưởng Ban tài chính phụ trách ký duyệt các chi chí phù hợp quy định, trường hợp khi rút tiền tại tài khoản của Hội cần có xác nhận của Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch thường trực và Trưởng ban tài chính đồng ký mới được rút tiền.
4/ Các khoản chi đột xuất ngòai kế hoạch phải được Ban Chấp hành phê duyệt, các khoản chi mua sắm trên 5.000.000đ (Năm triệu đồng) cũng phải được lập dự trù và báo cáo thông qua Ban thường trực Hội.
5/ Tài sản của Hội sẽ được Ban chấp hành tổ chức kiểm kê, đánh giá định kỳ và thanh lý theo Quyết định của Ban chấp hành;
6/ Hoạt động tài chính của Hội hàng năm phải được báo cáo, thông qua tại hội nghị BCH giữa và cuối năm, phải được báo cáo công khai tại mỗi kỳ Đại hội Hội;
Điều 13. Văn phòng Hội có trách nhiệm thực hiện đúng chế độ kế toán theo quy định, phản ánh, ghi chép, hạch toán, báo cáo, đầy đủ trung thực, chính xác và kịp thời mọi hoạt động tài chính.
CHƯƠNG III: XÂY DỰNG KẾ HOẠCH, BÁO CÁO QUYẾT TOÁN, KẾ TOÁN, KIỂM TRA
Điều 14. Kế hoạch tài chính, báo quyết toán tài chính
1/ Kế hoạch tài chính của Hội là cơ sở để điều hành hoạt động thu - chi của Hội. Hàng năm trước ngày 20 tháng 01, Chánh văn phòng cùng Phó Chủ tịch Hội phụ trách tài chính xây dựng kế hoạch tài chính để thông qua Ban Chấp hành duyệt, sau đó thông báo cho toàn thể Hội trước 31 tháng 01.
2/ Phó Chủ tịch phụ trách tài chính có trách nhiệm gửi báo cáo quyết toán lên Ban Chấp hành định kỳ 6 tháng một lần.
Điều 15. Phân cấp quản lý tài chính
1/ Đại hội Đại biểu Hội thông qua phương hướng hoạt động của Hội làm cơ sở xây dựng kế hoạch tài chính của Hội.
2/ Ban chấp hành Hội
Xem xét báo cáo dự toán, quyết toán thu-chi tài chính hàng năm của Hội theo báo cáo của Phó Chủ tịch Hội phụ trách tài chính.
- Chịu trách nhiệm chung về quản lý tài chính Hội; phê duyệt dự toán, quyết toán, kế hoạch thu chi tài chính hàng năm của Hội; Phê duyệt hội phí đóng góp của Hội viên; Phê duyệt các khoản chi phí vượt thẩm quyền của Chủ tịch.
3/ Chủ tịch Hội: Có quyền duyệt chi và ngân sách theo nguyên tắc chi tiêu qui định tại quy chế này. Trong hoạt động Chủ tịch ủy quyền cho Phó Chủ tịch phụ trách tài chính thực hiện các công tác thu chi tài chính.
4/ Phó Chủ tịch Hội phụ trách tài chính có trách nhiệm điều hành công tác thu chi tài chính theo đúng kế hoạch. Thực hiện công tác thu chi của Hội dựa trên ngân sách đã được Ban Chấp hành phê duyệt và giám sát việc chi tiêu theo đúng quy định. Mọi khoản chi ngoài/vượt kế hoạch đều phải báo cáo để Ban Chấp hành phê duyệt.
5/ Các Phó Chủ tịch chuyên trách khi được Chủ tịch ủy quyền chịu trách nhiệm về việc chi tiêu theo tiêu chí minh bạch và cần thiết.
Điều 16. Kế toán và kiểm tra, kiểm toán
1/ Trên nguyên tắc minh bạch, tin tưởng và tôn trọng. Phó Chủ tịch phụ trách tài chính của Hội sẽ phụ trách việc thực hiện nhiệm vụ kế toán và kiểm soát đối với các khoản chi tiêu của Hội.
2/ Trường hợp có trên 30% số hội viên yêu cầu, Ban kiểm tra của Hội sẽ thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát, kiểm toán để đảm bảo tính minh bạch và công bằng về tài chính.
Điều 17. Báo cáo Hội viên Quyết định của Ban Chấp hành phê duyệt quyết toán tài chính năm trước và kế hoạch thu chi tài chính năm sau phải được thông báo đến toàn thể Hội viên trước 31 tháng 01 hàng năm.
CHƯƠNG IV: ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 18. Sửa đổi quy chế: Trong quá trình thực hiện có vướng mắc phát sinh, các Hội viên có quyền đề xuất với Chủ tịch Hội và Ban Thường trực Hội để có hướng sửa đồi, bổ sung cho phù hợp với tình hình hoạt động thực tế của Hội.
Điều 19. Điều khoản thi hành: Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ký.
                     TM. BAN CHẤP HÀNH
                                                          CHỦ TỊCH
(Đã ký)
 
                                                       NGUYỄN ĐẮC TÌNH
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây