Thứ hai, 21/10/2024, 05:28

Tấm lòng vì cộng đồng của tân Phó chủ tịch CLB Doanh nghiệp trẻ Hoài Đức

Anh Nguyễn Bách Trường - Phó chủ tịch CLB Doanh nghiệp trẻ Hoài Đức, Giám đốc Công ty TNHH Thương hiệu Trường Thịnh - Tỷ phú tăm tre và tấm lòng vì cộng đồng

Không chỉ là tấm gương tiêu biểu làm kinh tế giỏi ở địa phương, Nguyễn Bách Trường, Giám đốc Công ty TNHH thương hiệu Trường Thịnh, xã Cát Quế, huyện Hoài Đức, Hà Nội còn luôn gương mẫu, đi đầu, nhiệt tình với các hoạt động Đoàn, Hội, thiện nguyện tại địa phương.

Từ những chiếc tăm nhỏ, một vật dụng quen thuộc với mỗi người dân Việt Nam, anh đã đầu tư sản xuất kinh doanh và đến nay có được cơ ngơi tiền tỷ. Càng trân trọng hơn khi anh vừa làm kinh tế giỏi vừa tích cực giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn...
z4434435283612 33bf8f2793097d2730e7e0260389d861
Anh Nguyễn Bách Trường - Phó chủ tịch CLB Doanh nghiệp trẻ Hoài Đức (Thứ năm từ phải sang)
 

Đổi sức trẻ, nghị lực lấy thành công

Tinh mơ mỗi ngày, việc đầu tiên và đã trở thành nếp từ hơn 10 năm qua của Nguyễn Bách Trường là kiểm tra nhà xưởng, máy móc, thiết bị, vật liệu… sao cho bảo đảm an toàn trước khi công nhân vào ca sản xuất. Công ty TNHH Hàng Việt tổng hợp do anh làm giám đốc, trụ sở tại thôn 9, xã Cát Quế, có tổng vốn đầu tư gần 4 tỷ đồng, một con số đáng nể đối với doanh nhân trẻ. Để có được cơ ngơi này, anh đã phải nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn. “Năm 2008, tôi xung phong tham gia nghĩa vụ quân sự, đóng quân ở tỉnh Thái Nguyên. Khi trở về địa phương, việc đầu tiên tôi nghĩ phải làm ngay là xóa nghèo, làm giàu...”, anh Trường nhớ lại.

Nghĩ là làm, ngay sau khi lập gia đình, Trường đề đạt ý nguyện mở xưởng sản xuất tăm tre với bố mẹ. Do gia đình khó khăn, vốn ban đầu bố mẹ hỗ trợ chỉ 5 triệu đồng, đủ để anh mua nguyên, vật liệu. Dồn vốn liếng tích cóp được, anh bắt tay vào khởi nghiệp. Hai năm đầu, anh gặp nhiều khó khăn, từ thử nghiệm các biện pháp để có tăm an toàn, không dùng hóa chất chống mốc, đến chào hàng tới từng điểm bán nhỏ lẻ. Vừa làm, vừa chắt chiu, anh dần mở rộng mặt bằng sản xuất, tạo thêm việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.

"Tôi làm việc tại công ty hơn 1 năm, mức lương 5-6 triệu đồng/tháng. Vợ chồng anh Trường luôn chu đáo, chỉ bảo tận tình cho công nhân và ân cần thăm hỏi, động viên khi có người ốm đau", chị Phạm Thị Phương, ở thôn 8 (xã Cát Quế) chia sẻ.

Cùng với nỗ lực của bản thân, sự giúp đỡ, tạo điều kiện của chính quyền địa phương anh Trường đăng ký thành lập công ty. “Tháng 3-2012 là thời điểm quan trọng trong cuộc đời tôi, bởi tôi được cầm trong tay giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Đến tháng 11-2013, tôi tiếp tục đăng ký thành công bản quyền bảo hộ sản phẩm “Tăm Trường Thịnh”, Trường hào hứng kể.

Hiện, công ty của Trường hoạt động ổn định. Ngoài tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Giang, Điện Biên, Sơn La, Quảng Ninh… sản phẩm "Tăm Trường Thịnh" còn được khách hàng tìm đến mua với số lượng lớn, “xách tay” ra nước ngoài để bán, tặng. Công ty cũng tạo việc làm ổn định cho 40 lao động chính và hơn 60 lao động thời vụ với thu nhập 3,5-6 triệu đồng/người/tháng…

Sẻ chia khó khăn với cộng đồng

Cùng với phát triển kinh tế, anh Trường tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng. Bí thư Đoàn Thanh niên xã Cát Quế Đoàn Hữu Hòa cho biết, từ khi thành lập đến nay, hằng năm, Chi đoàn Công ty TNHH Hàng Việt tổng hợp phối hợp với Đoàn Thanh niên xã tham gia hỗ trợ những trường hợp khó khăn, ủng hộ Quỹ Khuyến học xã, chuẩn bị chu đáo những suất quà tặng người già neo đơn, trẻ em khuyết tật, học sinh nghèo vượt khó học giỏi nhân dịp Tết Nguyên đán, Trung thu, đầu năm học… tổng trị giá hàng chục triệu đồng.
 

Ngoài giỏi kinh doanh, Nguyễn Bách Trường còn tích cực và nhiệt huyết tham gia công tác từ thiện xã hội.

"Đặc biệt năm 2017, hưởng ứng chương trình ủng hộ đồng bào bị lũ lụt tại huyện Mỹ Đức và các tỉnh: Yên Bái, Lào Cai do Huyện đoàn Hoài Đức và Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội phát động, công ty của anh Trường đã ủng hộ nhiều nhu yếu phẩm trị giá hơn 50 triệu đồng; tài trợ 900 suất quà trị giá 90 triệu đồng phục vụ Đại hội Hội Chữ thập đỏ thành phố…", anh Đoàn Hữu Hòa nói.

Sự chia sẻ với cộng đồng của anh Trường đã góp phần giúp nhiều gia đình khó khăn dần ổn định cuộc sống. Bà Phạm Thị Xuân, 60 tuổi, ở thôn 9 (xã Cát Quế) xúc động nói: “Trước kia, gia đình tôi chăn nuôi lợn nhưng bị thua lỗ do dịch bệnh, kinh tế kiệt quệ. Vì hoàn cảnh, tôi mạnh dạn xin vào làm việc tại công ty và cuộc sống đã dần ổn định”.

Với những hoạt động tích cực, Nguyễn Bách Trường được tín nhiệm bầu vào Ủy ban Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2019-2024. Trước đó, năm 2018, Nguyễn Bách Trường vinh dự được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”. "Anh Trường là một đoàn viên thanh niên ưu tú, không chỉ làm kinh tế giỏi, mà còn nhiệt tình, luôn đồng hành cùng Huyện đoàn trong thực hiện những hoạt động an sinh xã hội. Ngoài ra, Công ty của anh còn giúp nhiều thanh niên thuộc diện hộ nghèo có việc làm, thu nhập ổn định. Anh xứng đáng là tấm gương sáng để các đoàn viên thanh niên khác học tập", Bí thư Huyện đoàn Hoài Đức Đỗ Đức Bảo khẳng định.
 


Nguyễn Bách Trường nhận Bằng khen do TƯ Hội Chữ thập đỏ trao tặng vì có thành tích xuất sắc trong hoạt động nhân đạo năm 2017 

Anh Trường cho biết sẽ tiếp tục phấn đấu để sản phẩm tăm Trường Thịnh vươn ra thị trường nước ngoài. Anh bày tỏ: “Tôi muốn làm giàu cho bản thân, gia đình, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động từ sản phẩm nhỏ bé này”. Nhìn ánh mắt đầy quyết tâm, chúng tôi tin rằng anh sẽ tiếp tục thành công từ dự định đáng trân trọng ấy.


Thủ tướng
Liên kết website
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập7
  • Hôm nay150
  • Tháng hiện tại6,489
  • Tổng lượt truy cập96,668
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây